Đến nay việc thực hiện đánh giá, kiểm tra học sinh Chương trình GDPT 2018 theo thông tư mới đã được triển khai sang năm thứ 4. Mặc dù vậy, mỗi mùa bế giảng tới vẫn có nhiều phụ huynh băn khoăn về cách xếp loại học tập của con em mình, nhiều câu hỏi đặt ra tại sao con được 9,10 điểm nhưng lại không được xếp loại xuất sắc như trước kia?
Toàn điểm 9, 10 vẫn không xếp loại cao nhất cuối năm học
Có con năm nay lên lớp 5, tại Trường Tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội), anh Anh Quân cho biết 4 năm qua con đều không được xếp Hoàn thành Xuất sắc mặc dù điểm kiểm tra cuối kỳ có 5 điểm 10 và 2 điểm 9.
“Hầu hết các môn như Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm thì chỉ được đánh giá là Tốt với lời nhận xét của cô giáo “cần luyện tập thêm phần gõ đệm”, “cần chăm học hơn”. Những môn này tôi cũng không thấy có điểm kiểm tra định kỳ như các môn học chính nên cũng không rõ về cách đánh giá”, anh Quân cho hay.
Đồng thời vị phụ huynh nhận thấy rằng việc đánh giá hiện nay có phần chặt chẽ hơn trước kia, đặc biệt là chưa kể đến các phần đánh giá về phẩm chất chủ yếu, năng lực đặc thù, năng lực cốt lõi.
Tuy nhiên, theo anh Quân, vì với những môn học chính điểm số của con ổn định, nắm rõ được năng lực học tập của con nên cũng không quá yêu cầu thành tích.
Học sinh rất khó đạt Hoàn thành tốt đối với các môn năng khiếu.
Một trường hợp khác, trao đổi với Người Đưa Tin, chị Thu Hà có con học lớp 2 tại trường tiểu học trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay: “Năm học đầu tiên con tôi không được giấy khen vì môn Mỹ thuật khi cô giáo nhận xét “cần vẽ hình to, màu tô rõ ràng cẩn thận hơn nữa” mặc dù môn Toán và Tiếng Việt đều được điểm 10 ở bài kiểm tra cuối kỳ”.
Chị Hà cũng bày tỏ khá bức xúc khi trước kia dù học sinh Giỏi, học sinh Tiên Tiến các con đều có giấy khen, tuy nhiên hiện nay chỉ có Hoàn thành Xuất sắc mới có giấy mang về.
“Thầy cô và nhà trường cũng nên có nhiều hình thức khác để ghi nhận và động viên các con, vì khi các bạn trong lớp đều có giấy khen sốt ít không có khiến các cháu cảm thấy tủi thân, mất động lực học tập”, chị Thu Hà chia sẻ.
Học sinh cần phải nỗ lực suốt cả năm học
Đánh giá về hoạt động đánh giá học sinh hiện nay, trao đổi với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Xá, Thanh Trì, Hà Nội nêu rõ, các hoạt động đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ, tổng hợp đánh giá kết quả giáo dục hay đánh giá cuối năm, xét khen thưởng học sinh đối với cấp tiểu học đều bắt buộc phải theo Thông tư 27 (PV - trừ học sinh khối 5 đang đánh giá theo Thông tư 30).
Bà Mai cũng cho rằng không hiếm gặp trường hợp phụ huynh thắc mắc về xếp loại và danh hiệu khen thưởng.
Các em đạt Học sinh Xuất sắc khi các môn chấm điểm phải được 9-10 điểm với những bài kiểm tra cuối kỳ, tuy nhiên, bà Mai cho biết: “Không chỉ dựa vào điểm cuối kỳ mà còn phải dựa vào đánh giá thường xuyên hàng tháng là Hoàn thành xuất sắc thì các con sẽ được công nhận là Hoàn thành xuất sắc ở cuối năm học”.
Thông tư 27 quy định chặt chẽ, chi tiết hơn về đánh giá, xếp loại học sinh.
Còn Học sinh tiêu biểu cho những em có kết quả ở mức Hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện. “Nếu 1 môn chấm điểm không được 9-10 hoặc đánh giá là Hoàn thành, Hoàn thành tốt thì các em chỉ được xếp loại là Học sinh tiêu biểu”, bà Thanh Mai bày tỏ.
Cũng theo vị hiệu trưởng, Học sinh tiêu biểu chỉ thấp hơn Học sinh xuất sắc 1 đánh giá của bất cứ môn nào và thông thường các con sẽ khó được xếp loại cao ở những môn đòi hỏi năng khiếu và chăm chỉ học như Âm nhạc và Mỹ thuật, phụ huynh cũng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào danh hiệu để tạo áp lực cho học sinh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai chia sẻ thêm: “Quá trình học tập của cả năm học là một trong những yêu cầu để đánh giá chứ không phải cứ được điểm 9, 10 ở bài kiểm tra cuối kỳ là được”.
“Thông tư 27 yêu cầu chi tiết và đánh giá rất sát sao không chỉ đánh giá điểm số cuối cùng mà còn phải có sự phấn đấu của các con trong suốt 9 tháng học, đánh giá toàn diện chất lượng học sinh. Về phía giáo viên, các cô cũng không gặp nhiều khó khăn vì thông tư đã hướng dẫn cụ thể là “điểm tựa” để các cô làm căn cứ đánh giá”, bà Mai bày tỏ.
Mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.