Thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, thời gian qua Khoa Bệnh Nhiệt đới liên tục tiếp nhận hàng chục trường hợp trẻ nhỏ mắc viêm màng não. Chỉ tính riêng tuần đầu tiên của tháng 6 năm 2024, tỉ lệ bệnh nhi nhập viện vì mắc bệnh lý này đã tăng lên gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Một trong số những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được các bác sỹ lý giải là do đây là thời điểm thời tiết miền Bắc nắng nóng, thỉnh thoảng có mưa và xen kẽ đợt không khí lạnh. Thời tiết nóng ẩm, thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi để các vi-rút, vi khuẩn phát triển mạnh, tấn công và gây hại cho sức khoẻ con người, nhất là trẻ nhỏ.
Để phòng tránh bệnh viêm màng não, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng vắc-xin đủ và đúng lịch.
Theo BSCKI. Phùng Thị Phương Ngọc - khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh viêm màng não nguy hiểm ở chỗ bệnh có thể lây qua đường hô hấp và các triệu chứng lâm sàng ban đầu của bệnh rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Trẻ thường khởi phát bệnh với triệu chứng sốt, nôn ói, đau đầu,… Nhiều trường hợp phụ huynh/người chăm sóc trẻ chủ quan, bỏ qua các triệu chứng cảnh báo này nên khi trẻ được đưa tới bệnh viện đã ở trong tình trạng nặng.
Điển hình là trường hợp bệnh nhi nam 6 tuổi (trú tại Phú Thọ) được đưa vào bệnh viện thăm khám từ ngày 2/6/2024 khi đã diễn biến sốt 5 ngày tại nhà. Ngoài sốt, bé còn đau đầu, nôn ói, mệt mỏi. Bệnh nhi được chọc dịch não tuỷ và làm các xét nghiệm chẩn đoán. Kết quả chọc dịch não tuỷ cho thấy có tới 450 tế bào, khẳng định tình trạng viêm màng não nhiễm khuẩn ở trẻ.
Sau 2 ngày điều trị theo phác đồ điều trị viêm não – màng não, các triệu chứng của trẻ đã thuyên giảm đáng kể như: trẻ không sốt, không nôn, đỡ đau đầu. Sau 5 ngày điều trị tích cực, kết quả chọc dịch não tủy giảm còn 120 tế bào.
Theo các bác sĩ, việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong điều trị bệnh lý viêm màng não. Do đó, ngay khi thấy trẻ có các triệu chứng như sốt, đau đầu, mệt mỏi, nôn trớ, cứng gáy, ù tai, sợ ánh sáng …thì phụ huynh/người chăm sóc trẻ cần nghĩ ngay tới bệnh viêm màng não và cho trẻ đi thăm khám kịp thời.
Đặc biệt, nếu trẻ đã xuất hiện các triệu chứng muộn, điển hình như co giật, hôn mê,…thì não đã bị ảnh hưởng và có thể để lại nhiều di chứng nặng nề, thậm chí là tử vong. Để phòng tránh bệnh viêm màng não, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng vắc-xin đủ và đúng lịch.
Các vắc-xin có thể phòng bệnh viêm màng não bao gồm vắc-xin 6 trong 1 Infanrix Hexa, vắc-xin 6 trong 1 Hexaxim, vắc-xin 5 trong 1 Pentaxim, vắc-xin ngừa viêm màng não do vi khuẩn phế cầu (vắc-xin Synflorix), vắc-xin ngừa viêm màng não do não mô cầu nhóm BC (vắc-xin Mengoc), vắc-xin ngừa Viêm não nhật bản(vắc-xin Jevax,Imojev), vắc-xin ngừa cúm…..
Ngoài ra, cha mẹ/người chăm sóc trẻ cũng cần vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, cho trẻ ăn chín, uống sôi, hạn chế các tác nhân gây bệnh như E.coli, HiB, não mô cầu, phế cầu, lao... đồng thời thường xuyên vệ sinh tay chân và cơ thể cho trẻ, cho trẻ mang khẩu trang khi đi ra ngoài.
Ngay khi trẻ xuất hiện các triệu chứng bất thường về sức khỏe (đặc biệt là trong thời gian giao mùa) cần cho trẻ tới thăm khám tại bệnh viện kịp thời, tránh trường hợp để xảy ra các tình huống đáng tiếc.
Nam Anh