Những ngành kỹ thuật liên quan đến giao thông vận tải, vi mạch bán dẫn sẽ là những công việc cần nguồn nhân lực lớn trong tương lai.
Mặc dù nhóm ngành kỹ thuật có đa dạng ngành nghề, yêu cầu nhân lực và trình độ chuyên môn cao, nhưng vì tính chuyên ngành cao nên nhiều thí sinh vẫn còn e ngại khi lựa chọn và chưa hiểu rõ về định hướng việc làm đối với khối học này.
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Thị Hòa – Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, các ngành kỹ thuật được được thí sinh yêu thích và quan tâm trải hầu hết các ngành như Kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kỹ thuật xây dựng,…
"Tuy nhiên, hầu hết các ngành kỹ thuật đều tương đối "kén" người học, các bạn có thế mạnh về các môn khoa học tự nhiên sẽ chiếm lợi thế vì quá trình đào tạo, các ngành này đều cần đến kiến thức nền tảng về Toán, Vật lý", bà Hoà cho hay.
Riêng với các ngành Kỹ thuật Robot, Trí tuệ nhân tạo, ngành Hệ thống giao thông thông minh là những ngành khá đặc thù, đây là những ngành mới, đáp ứng các vị trí việc làm mới xuất hiện trong những năm gần đây, theo xu thế của xã hội.
PGS.TS Nguyễn Thị Hòa – Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo Trường Đại học Giao thông Vận tải.
Quá trình đào tạo, ngoài các học phần đại cương theo yêu cầu chung với các chương trình đào tạo khối kỹ thuật, các ngành này đòi hỏi phải trải qua các học phần thực hành, thí nghiệm tại các phòng thí nghiệm và đặc biệt phải thêm các học phần trải nghiệm tại các doanh nghiệp.
Về cơ hội việc làm, PGS.TS Nguyễn Thị Hòa chia sẻ khối kỹ thuật nói chung, các ngành kỹ thuật thuộc lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng, đang là khối ngành mà nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn.
"Chính phủ đã xác định phát triển cơ sở hạ tầng là một trong 3 trụ cột chính để phát triển nền kinh tế quốc gia. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cả nước có 3.000 km đường cao tốc, tới năm 2030 đạt khoảng 5.000 km và tầm nhìn đến năm 2050 đạt khoảng 10.000 km đường cao tốc.
Bên cạnh đó, chiến lược đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao và hệ thống tàu điện ngầm metro đã được xác định thực thi trong giai đoạn 2025-2035. Để đáp ứng cho yêu cầu này, thời gian tới ngành giao thông vận tải cần ít nhất 10.000 nhân lực chất lượng cao. Do đó, cơ hội việc làm cho các ngành kỹ thuật của giao thông vận tải rất dồi dào", bà Nguyễn Thị Hoà thông tin.
Thí sinh nghiên cứu kỹ chương trình đào tạo để chọn ngành phù hợp (Ảnh: Hữu Thắng).
Cũng nằm trong nhóm kỹ thuật nhận được rất nhiều sự quan tâm đó là lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Đối với ngành này, GS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết: "Hiện nay, thi trường đang chia làm 2 xu hướng chung, đó là thiết kế vi mạch thường - chuyên ngành nằm trong ngành Điện tử viễn thông.
Lĩnh vực thứ 2 được các tập đoàn rất quan tâm đó là quy trình kiểm thử đóng gói – chuyên ngành này không đòi hỏi nhiều về kỹ năng kiến thức như thiết kế vi mạch, nhưng lại đang cần số lượng lớn, thường nằm trong các ngành về vật liệu, tự động hoá".
Chuyên gia lưu ý vi mạch bán dẫn là một trong 10 ngành học được quan tâm nhiều nhất cho đến năm 2030, tuy nhiên hãy chọn nếu chúng ta có năng lực, đam mê chứ không chạy theo ngành hot, xu hướng.
Bộ GD&ĐT thông tin, tính đến 12h ngày 29/7/2024, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trên hệ thống của Bộ GD&ĐT là 702.762 thí sinh, tăng khoảng 60.000 so với tổng số thí sinh đã đăng ký năm 2023.
Hệ thống trong những qua hoạt động ổn định. Thời điểm kết thúc đăng ký xét tuyển của thí sinh trên hệ thống của Bộ GD&ĐT là 17h ngày 30/7/2024.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích5
Hấp dẫn
10
Đặc sắc
15
Tuyệt vời