"Không trả lời bất cứ thông tin nào về Tuấn 123"
Tối 25/12/2022, trao đổi với phóng viên Dân trí, dù chưa biết cụ thể về vấn đề được hỏi, ông Phạm Anh Tuấn, CEO Bất động sản Tuấn 123, đã khẳng định luôn rằng ông sẽ không trả lời bất cứ thông tin gì liên quan đến Công ty Bất động sản Tuấn 123.
Ông Tuấn cho biết, bình thường, khi trả lời báo chí, nhà báo phải gửi câu hỏi qua thư ký và luật sư riêng. Vì phóng viên Dân trí đã liên hệ nhiều lần và ông Tuấn đang có lịch làm việc ở TPHCM nên mới đồng ý gặp và... "trả lời cho vui". Ông này cho biết mình là người khởi tạo ra nghề môi giới bất động sản thổ cư một cách bài bản"."Mười mấy công ty môi giới đất thổ cư ở Việt Nam đều do anh dạy mà ra", ông khẳng định và liệt kê cả một số doanh nghiệp có tên tuổi hiện nay.
Trên facebook cá nhân, ông Tuấn (đứng giữa) thường xuyên đăng ảnh bản thân tham gia các lớp đào tạo chuyên gia bán hàng (Ảnh: Chụp từ FB Phạm Anh Tuấn).
"Ở Việt Nam, chỉ có 2 công ty tham gia mảng thổ cư không làm theo mô hình của anh là Đất Xanh và CenGroup thì làm không nổi, chết hết rồi. Làm cái đó chỉ từ anh dạy mới làm được thôi", ông Tuấn khẳng định chắc nịch.
Để tiếp tục cuộc trò chuyện, ông Tuấn khẳng định lại sẽ không trả lời bất kỳ vấn đề gì liên quan đến Công ty Bất động sản Tuấn 123, nơi ông đang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, với lý do là "không có cơ sở, dữ liệu để trả lời".
Được biết, ông Phạm Anh Tuấn còn là Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Phát triển Bất động sản - Viện trưởng trẻ nhất của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Theo thông tin đăng tải trên báo chí, ông Tuấn thành lập Công ty CP Tuấn 123 - Bất động sản Tuấn 123 từ năm 2013. Sau hơn 7 năm, đến nay công ty có trên 4.000 nhân viên, với hai trụ sở chính tại Hà Nội và TPHCM.
Khẳng định không lừa khách
Ông Tuấn khẳng định, ông chỉ trả lời với tư cách Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Bất động sản. Khi phóng viên hỏi, làm cách nào để môi giới đất thổ cư bán được hàng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, ông Tuấn cho biết: "Những người môi giới chuyên nghiệp đã được đào tạo về cả đạo đức lẫn nghề nghiệp, chuyên môn bán hàng. Nếu họ chăm chỉ hơn, kiên trì hơn, thông minh hơn và làm "chuẩn chỉ theo quy trình hơn" sẽ thắng".
Phóng viên đặt câu hỏi, liệu môi giới có phải lươn lẹo lừa khách để bán được hàng? Ông Tuấn cho biết, sở dĩ ông chọn làm nghề môi giới đất thổ cư vì phân khúc này minh bạch rõ ràng. "Nhà đã có sổ, chỉ cần đem sổ ra phòng công chứng kiểm tra thu chi là xong. Thậm chí 3 đời sổ công chứng cũng truy ra được bán cho ai, ai mua, thời gian cụ thể thế nào", ông nói.
Ông khẳng định ông là người tạo dựng ra nghề môi giới để chủ và khách gặp nhau, tạo ra thị trường môi giới nhà thổ cư và "giúp cho nó minh bạch đến bây giờ, hơn 10 năm nay". Đàm phán trực tiếp, môi giới không bao giờ lừa được khách hay chêm giá, cài cắm giá được. Ông khoe đây là "tuyệt chiêu của anh nghĩ ra đấy. Vì trước đây chủ và khách không được gặp nhau, khi nào chốt giá, môi giới mới cho gặp, còn anh cho gặp trực tiếp tự đàm phán".
Ông Tuấn khẳng định: "Nghề này không ai lừa được ai, chủ không lừa được khách, khách không lừa được chủ và môi giới cũng không lừa được hai bên, tất cả đều minh bạch hết".
Tuy nhiên, thực tế trong bài giảng mà chuyên gia tại Tuấn 123 dạy học viên có phóng viên tham dự, phần lớn các thương vụ, chỉ khi nào đến bước đàm phán giá thì môi giới mới cho chủ và khách mua nhà gặp nhau. Môi giới được nhắc việc phải dặn khách không được xin số điện thoại chủ nhà, dặn chủ muốn bán được nhà thì không được nhắc gì về hoa hồng với khách.
Một buổi dạy môi giới của Công ty Bất động sản Tuấn 123 (Ảnh: Nguyễn Văn Hải).
Phóng viên hỏi tiếp, khi môi giới đăng bán một căn nhà với những thông số sai sự thật để câu khách, sau khi khách gọi họ sẽ định hướng khách vào những căn nhà đã ký hợp đồng môi giới với công ty thì gọi là gì? Ông Tuấn im lặng một lúc rồi nói: "Chưa nói chuyện đó có hay không nhưng như thế mà nói lừa khách là sai, vì nó không gây ra bất kỳ một hậu quả gì".
Ông Tuấn nói thêm: "Nếu đăng tin bán nhà ở phố Đồng Khởi để bán nhà ở Nguyễn Huệ mà gọi là lừa khách thì không phải". Phóng viên hỏi, vậy gọi là gì, thì ông trả lời: "Chả là cái gì, có thể là tin đó người ta đăng là có cái nhà ở Đồng Khởi nhưng bị bán rồi. Tin vẫn còn trên mạng, khách gọi đến thì môi giới vẫn giới thiệu sang nhà khác là chuyện bình thường. Nhà vẫn còn đó, môi giới cũng chưa chắc là cố tình đăng nhà ở Đồng Khởi".
Khi được phóng viên hỏi rằng nếu môi giới cố tình đăng như vậy để "treo cục mỡ" khiến khách cảm thấy nhà này "ngon, bổ, rẻ", ông Tuấn vẫn giữ quan điểm "nhưng mà khách không bị mất tiền".
Với trường hợp môi giới nhờ môi giới của công ty đóng giả khách hàng để "đốt khách" thì có gọi là lừa khách không, khi được hỏi vấn đề này, ông Tuấn không trả lời thẳng vào câu hỏi của phóng viên mà nói "cái đó thì em tự suy ra thôi... Em tự suy đi, mấy cái này vô nghĩa quá anh trả lời làm gì".
Trao đổi tại lớp học môi giới, "tướng quân" Vũ Quỳnh An, giám đốc khối xuất sắc 6 tháng đầu năm 2022 của Bất động sản Tuấn 123 cho biết, hiện nay công ty này có khoảng 12.000 nhân sự ở cả 3 miền gồm Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.
An cho biết, thời điểm ngân hàng chưa hạn chế cho vay bất động sản, riêng văn phòng miền Nam, một ngày có khoảng 12 vụ môi giới thành công. Nếu tính cả miền Bắc và miền Trung, một ngày phải trên 20 giao dịch. Hiện giờ khó khăn hơn, cả 3 miền mỗi ngày cũng khoảng 10 giao dịch thành công.
Được biết, mỗi căn nhà công ty này thu của chủ thấp nhất là 100 triệu đồng, có những căn chủ phải trả gần cả tỷ đồng tiền hoa hồng.
Nếu những gì vị giám đốc khối xuất sắc này nói là đúng, thì công ty này mỗi ngày thu được hàng tỷ tiền hoa hồng của khách.
Nội dung: Nguyễn Văn Hải