Mang điện thoại vô lớp để chụp 'ảnh dìm' và hẹn... đánh nhau

20/05/2023 12:35
Có lần có một chuyên gia tư vấn tâm lý học đường đến lớp khảo sát học sinh 13-14 tuổi. Khi được hỏi: Các bạn mang điện thoại vào trường để làm gì? Học trò đồng thanh "để học", "để liên lạc ba má"… Nhưng thực tế khác hơn nhiều.

 

Mang điện thoại vô lớp để chụp 'ảnh dìm' và hẹn... đánh nhau

Có bao nhiêu học sinh phổ thông ưu tiên dùng điện thoại để học, tìm kiến thức cho bài học? Đây không phải là cách học dễ dàng. Chỉ rất ít học sinh giỏi mới có thể làm được.

Những bạn ngoan hiền thường dùng điện thoại chỉ cần bấm được số để liên lạc người thân. Nhưng đó là chuyện hơn 10 năm trước. Từ khi nhiều học sinh có điện thoại thông minh trong tay, mọi liên lạc với người thân ít hơn liên lạc bạn bè và cả người lạ trên mạng.

Cũng từ đó có những "tình yêu qua mạng", học trò lớp 7 lớp 8 đã có hẹn hò, chát chít với bạn khác phái cách xa từ vài chục đến hàng ngàn cây số. Có bạn lại ngày đêm mơ mộng tình cảm với người trên mạng, người đó có thể mang tên một cao thủ chơi game (quen nhau khi chơi cùng game).

Và vì thế tốn bộn tiền và thời gian chơi game. Có những tơ tưởng và hẹn hò khi được trai xinh gái đẹp trên mạng làm quen. Tình ảo nhưng học tệ hơn là sự thật.

Ở những trường không cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường, có lắm chuyện chẳng hay ho gì từ chuyện chụp "ảnh dìm". Những hình ảnh này được dùng cho mục đích không hay ho gì.

Tôi vẫn nhớ như in bức ảnh được lan truyền trên mạng khi tôi học lớp 8. Bạn nào đó lén chụp cảnh cô giáo gác hai chân dựa lên tường lớp học trong lúc canh học sinh ngủ trưa bán trú. Bao nhiêu lời bình loạn về tư thế của cô. Sau này, nhiều bạn hiểu được cô mình có bệnh giãn tĩnh mạch chân, cô cần gác chân để đỡ đau. Nhưng lúc đó đã quá muộn để rút lại những dòng đã viết về cô.

Nhiều vụ tung ảnh xấu của bạn mình rồi bình phẩm các kiểu. Ai là nạn nhân của trò này sẽ thấu hiểu cú sốc trên mạng này còn nặng nề hơn những trò bắt nạt ngoài đời. Ghét bạn nào tung ảnh bạn đó, không "thù oán" gì nhau cũng tung ảnh, tung clip lên kèm lời lẽ vô cớ nào đó để thu hút sự chú ý.

Đáng lo nhất là chuyện lên mạng thách đố rồi hẹn giờđánh nhau. Hai bên sẵn "nhìn mặt nhau thấy ghét" rồi, có thêm lời thách đố nữa, máu nóng bốc lên thì ra tay ngay sợ gì ai! Kinh khủng nhất là chuyện một nhóm hẹn nhau chặn đường đánh một bạn nào đó, có phân công ai đánh ai quay phim… và nạn nhân không hề biết. Có biết bao vụ một bạn bị đánh mươi bạn đứng coi, không ai can ngăn… cho đến khi clip đánh nhau được khoe trên mạng.

Hai tuần trước, tôi đọc dòng trạng thái trên Facebook của một chị đồng nghiệp. Chị viết về chuyện con chị biết các bạn đang lên nhóm Zalo hẹn đánh nhau, các bạn khác bảo "thôi kệ bạn, đừng dính vô", cậu con trai kể cho mẹ nghe ý định sẽ báo thầy cô dù cậu cũng rất sợ bị đánh. Câu chuyện được chị viết ra, đáng buồn hơn khi rất nhiều phụ huynh bên dưới có ý kiến "đừng dính líu, đừng méc ai, ai làm nấy chịu đi"!

Anh tôi vừa đi họp phụ huynh cuối năm cho đứa con lớp 6. Thầy chủ nhiệm thông tin lại chuyện đã nói trong cuộc họp cuối học kỳ 1 rằng lớp có nhiều bạn mang điện thoại vào trường, giờ chơi, giờ ngủ lén chơi game, hẹn nhau qua điện thoại để chơi chung.

Màn hình điện thoại và mạng xã hội đang lôi kéo trẻ em sa vào những giá trị ảo, dùng mạng để "xử lý" khi có mâu thuẫn. Những kiểu nổi máu anh hùng được bàn phím tiếp sức trở nên kinh khủng hơn trước nhiều.

Người lớn có biết con trẻ làm gì trên mạng?

Điểm chung của những vụ đánh nhau giữa các học sinh là do mâu thuẫn, thách đố, hiềm khích nhau, sau đó lợi dụng mạng xã hội để lôi kéo, kích động và tổ chức đánh nhau để "giải quyết mâu thuẫn".

Nhưng vụ đánh bạn rồi tung clip gây xót xa phẫn nộ. Với phụ huynh, việc lo lắng cho con không chỉ đơn thuần là miếng cơm manh áo, sách vở, học hành mà khó nhất bây giờ là diễn biến tâm lý của con. Mỗi phụ huynh đều có cách dạy dỗ, giáo dục con khác nhau, nghiêm khắc có, nuông chiều có, để con tự lập cũng có… Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không hề để ý con mình nghĩ gì, muốn làm việc gì. Các em tìm cách giải quyết mâu thuẫn theo ý mình một cách cảm tính.

Đa số học sinh đều được phụ huynh trang bị điện thoại di động, gọi là để liên lạc nhưng rồi phụ huynh không kiểm soát được con mình đang làm gì với cái điện thoại trong tay. Mạng xã hội như con dao hai lưỡi với bao nhiêu kiểu lôi kéo, dụ dỗ, kích động, lừa đảo… Người lớn còn nghiện không rời, bị lừa tiền không hay huống chi trẻ vị thành niên.

Bao nhiêu học sinh lên mạng chửi tục, nói xấu, khiêu khích đánh nhau? Con số này ngày càng nhiều.

Ai cũng có quyền sử dụng mạng xã hội, pháp luật không nghiêm cấm việc này, nhưng lợi dụng mạng xã hội để làm việc phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý. Đối với học sinh, các em chưa đủ tuổi nên mức xử lý nhẹ. Nhưng cũng vì chưa đủ tuổi nên dễ nói sai làm liều khi nhận thức chưa tới.

Ai trao điện thoại và máy tính cho con cần biết con đang xem gì, làm gì, chơi với ai trên mạng. Đồng thời, nên khuyến khích con ưu tiên sử dụng mạng xã hội học tập như trao đổi, giải quyết các bài tập, câu hỏi khó, nắm bắt thông tin của trường lớp. Đừng để các em "cô độc" với mạng xã hội, nếu không thận trọng sẽ có nguy cơ bị dụ dỗ, lợi dụng, nghiện mạng xã hội và thậm chí vi phạm pháp luật.

Đỗ Văn Nhân

ThS tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh: Khi con nghiện điện thoại

Nhiều bậc phụ huynh cho con em sử dụng smart phone từ rất sớm. Nhiều bé tiểu học đã có điện thoại riêng. Nhiều trẻ sử dụng điện thoại để công kích người khác, bạo lực học đường, trẻ nghiện chơi game, chat, xem TikTok trên điện thoại.

Tôi đã từng tham vấn cho một số trường hợp, khi phát hiện con mình nghiện điện thoại vì một trong những lý do trên thì phụ huynh tịch thu điện thoại của con. Khi đã nghiện rồi thì trẻ rất coi trọng vật dụng này. Các em cài mật khẩu để ba mẹ không thể làm gì được. Có trường hợp phụ huynh không thể kiềm chế đã đập bể cái điện thoại. Trẻ quay ra chống đối ba mẹ.

Trước khi cho trẻ sử dụng smart phone, các bậc phụ huynh cần dạy con cách sử dụng. Có trường hợp trẻ nói với ba mẹ là đi ngủ nhưng em lên giường trùm mền rồi chơi game; có em chat sex với bạn khác giới khi mới học lớp 7.

Chúng ta cần dạy các em học sinh hiểu rằng: việc chụp hình, quay clip dìm hàng bạn rồi đưa lên mạng xã hội là không được phép. Trẻ cần biết khi bản thân mình bị "bóc phốt" trên mạng thì phải làm gì để không hoang mang…

H.HG. ghi

Theo Nguồn tuoitre.vn

Mang điện thoại vô lớp để chụp 'ảnh dìm' và hẹn... đánh nhau - Đời Sống