Kinh tế tư nhân đóng góp bình quân 46% vào GDP quốc gia

02/04/2023 10:12
Theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực, trong cơ cấu GDP quốc gia giai đoạn 2016-2021, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp bình quân khoảng gần 46%. Tuy nhiên, vị chuyên gia chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Cùng đó, kinh tế tư nhân chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, đa số vẫn là kinh tế hộ kinh doanh (chiếm 94%).

 

Đến năm 2025, kinh tế tư nhân có hy vọng đóng góp 55% vào GDP quốc gia

Sáng 2/4, tại Trung tâm hội nghị - Văn phòng Chính phủ số 37 Hùng Vương, Hà Nội, Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam (VPBA) tổ chức Diễn đàn Kinh tế Tư nhân lần thứ II.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia khẳng định sau gần 40 năm đổi mới, đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã có nhiều thương hiệu mạnh, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, lan tỏa trong hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, như công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, sản xuất lắp ráp ô tô, vận tải hàng không, tài chính - ngân hàng, bất động sản, CNTT...v.v.; bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Khu vực kinh tế tư nhân đã và đang là động lực quan trọng của nền kinh tế, thể hiện qua những con số cụ thể.

“Đây là số liệu tôi tự tính toán lại, thì trong cơ cấu GDP giai đoạn 2016-2021, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp bình quân khoảng gần 46%. Như vậy, đến năm 2025 mà mong muốn nâng mức đóng góp lên 55% thì tôi hy vọng là có thể được, nhưng tất nhiên cần phấn đấu”, TS Lực cho hay.

Kinh tế tư nhân đóng góp bình quân 46% vào GDP quốc gia

Về việc làm, hiện cả nước có trên 786 nghìn DN khu vực tư nhân (chiếm khoảng 98% tổng số trên 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động), trong đó có hơn 95% là DNNVV, 2% DN quy mô vừa và 3% DN lớn. Lực lượng lao động trong khu vực kinh tế tư nhân ước chiếm khoảng 85% tổng số lao động cả nước (tính cả thành phần kinh tế cá thể), còn nếu không tính thành phần kinh tế cá thể, thì chiếm khoảng 58,6%.

Về đóng góp NSNN, nếu như năm 2016, khu vực kinh tế tư nhân mới chỉ góp 13,88% tổng thu NSNN, thấp hơn đóng góp của khu vực FDI thì từ 2017 đến nay, thu NSNN từ khu vực kinh tế tư nhân tăng khá nhanh và đến năm 2021 đóng góp 18,5% tổng thu ngân sách, trong khi đóng góp của khu vực DNNN và khu vực FDI đều giảm. Cuối năm nay, TS. Lực ước tính đóng góp NSNN của khu vực này khoảng 19%.

Cũng theo TS. Lực, kinh tế tư nhân còn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế cũng như huy động nguồn vốn lớn cho phát triển KT-XH của Việt Nam. Cụ thể, khu vực này hiện chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu, gấp gần 7 lần về nhập khẩu và 10 lần về xuất khẩu so với khu vực DNNN (không kể dầu thô). Cùng đó, đóng góp của khu vực này trong vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng đều từ tỷ trọng 51,3% năm 2016 lên đến 59,5% năm 2021, trong khi tỷ trọng của khu vực Nhà nước giảm khá nhiều, xuống còn 24,7% năm 2021 (một phần là do quá trình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN) và của khu vực FDI cũng giảm xuống còn 15,8% năm 2021.

Kinh tế tư nhân chủ yếu quy mô nhỏ và siêu nhỏ, thường xuyên thiếu vốn

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp, TS. Cấn Văn Lực chỉ ra 5 hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân. Đầu tiên, mặc dù khu vực kinh tế tư nhân đóng góp tỷ trọng lớn vào GDP (khoảng 46,4%), song tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Cùng đó, kinh tế tư nhân chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, đa số vẫn là kinh tế hộ kinh doanh (chiếm 94%).

Năng lực hội nhập và cạnh tranh kinh tế quốc tế còn hạn chế, mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ở mức thấp. Tình trạng vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh trong kinh tế tư nhân chưa giảm.

Đặc biệt, TS. Lực nhắc tới hai hạn chế lớn của khu vực kinh tế tư nhân là tình trạng “luôn thiếu vốn” và chưa thực sự chú trọng đầu tư công nghệ, R & D hay ứng dụng CNTT.

Về vấn đề thiếu vốn, TS. Lực nhấn mạnh nguyên nhân là do DN Việt Nam còn chưa đa dạng hóa nguồn vốn (phụ thuộc nhiều vào vốn ngân hàng); phần khác là chưa quan tâm thích đáng đến quản lý tài chính, huy động vốn từ thị trường vốn chưa bài bản, thiếu minh bạch, sử dụng vốn còn sai mục đích, đầu tư dàn trải, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, thiếu tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh khả thi..., thậm chí còn vi phạm nghiêm trọng về công bố thông tin, thao túng giá chứng khoán, phát hành TPDN như vừa qua.

TS Cấn Văn Lực phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Nguyễn TriệuCần cơ chế “khuyến khích” hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp siêu nhỏ

Trong khuôn khổ Diễn đàn, TS Lực đưa ra một số khuyến nghị cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp nhằm nâng cao đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, hướng tới để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế

Đầu tiên, khuyến nghị cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, có chính sách rõ ràng, nhất quán để hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển văn hóa trong doanh nghiệp.

Cùng đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư và ứng dụng CNTT tại doanh nghiệp, xây dựng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có cấu phần về chuyển đổi số và nhất quán thực thi. Chú trọng nâng cao năng lực quản trị DN, quản trị kinh doanh và quản trị rủi ro; chủ động hợp tác, liên kết, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và khu vực và tích cực tham gia trong kiến tạo và phát triển môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, công bằng thông qua đóng góp các ý kiến, phản biện chính sách để góp phần hoàn thiện và thực thi thể chế.

Về phía các cơ quan quản lý, TS. Lực đề nghị tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng kiến tạo để các thị trường (đất đai, lao động, tài chính, KH-CN, hàng hóa – dịch vụ) phát triển hài hòa, thông suốt, lành mạnh và bền vững.

Cùng đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện thực chất, mạnh mẽ môi trường đầu tư – kinh doanh, tiến tới “minh bạch, công bằng, ổn định, nhất quán, dự báo được, kịp thời và thực thi tốt” đối với các cơ chế, chính sách và thực thi tại các cấp chính quyền.

Có cơ chế, chính sách và cách làm phù hợp để “khuyến khích” hộ kinh doanh nâng cấp thành DN siêu nhỏ.

Xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí về đạo đức kinh doanh, về doanh nhân tiêu biểu, phát triển bền vững…, từ đó, có thể lan tỏa và nhân rộng những giá trị quý báu trong đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp, giúp phát triển đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp ngày càng vững mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Cuối cùng, riêng với các Hiệp hội, TS. Lực khuyến nghị, hoạt động của các hiệp hội cần được nâng tầm, thiết thực, hiệu quả hơn nữa. Muốn vậy, bản thân các hiệp hội cần quan tâm nâng cao chất lượng và hiệu quả của tổ chức, bộ máy, quy trình và phương thức hoạt động...v.v.

Theo Nguồn baomoi.com

Kinh tế tư nhân đóng góp bình quân 46% vào GDP quốc gia - Kinh Doanh