Nhờ sự phối hợp chặt chẽ và chuyên nghiệp giữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và các Trung tâm Y tế tuyến huyện, nhiều người bệnh được cứu sống.
Phối hợp cấp cứu ban đầu tuyến cơ sở và điều trị chuyên sâu tuyến trên cứu bệnh nhân nặng
Bệnh nhân nam 50 tuổi được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, Phú Thọ, trong tình trạng choáng, ngất. Khi các bác sĩ thăm khám, cấp cứu, người bệnh bị ngừng tim, sau đó được cấp cứu kịp thời, tim đập trở lại sau 20 phút.
Sau khi áp dụng biện pháp hồi sức cần thiết, nhận thấy tình trạng người bệnh rất nặng, nguy cơ tử vong cao, cần được can thiệp điều trị bằng kỹ thuật chuyên sâu, bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy đã liên hệ chuyển bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Quá trình vận chuyển người bệnh bằng xe cứu thương có kíp hồi sức hỗ trợ, đảm bảo nhanh chóng, an toàn.
Tại đây, trong khi đang được áp dụng biện pháp hồi sức tích cực và hội chẩn giữa bác sĩ hồi sức và tim mạch, người bệnh tiếp tục ngừng tim lần thứ hai. Thời gian cấp cứu để có tim đập trở lại khoảng 10 phút.
Người bệnh được chụp mạch vành xác định có nhồi máu cơ tim, được đặt 1 stent, tiếp tục áp dụng biện pháp hồi sức tích cực như thở máy nâng cao, dùng thuốc trợ tim và vận mạch liều cao hỗ trợ huyết động, đặc biệt là áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy, lọc máu, theo dõi huyết động bằng Pico…
Sau 12 ngày hồi sức tích cực, được bác sĩ chuyên khoa hồi sức và tim mạch điều trị, người bệnh đã ổn định và được ra viện.
Theo TS.BS Hà Thị Bích Vân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, người bệnh kể trên rất may mắn khi gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Thuỷ là nơi gần nhất để được cấp cứu, sau đó mới chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Nếu cùng thời gian ấy, người nhà chuyển thẳng lên tuyến trên với quãng đường đi xa, bệnh nhân có thể ngừng tim trên đường, không được cấp cứu kịp thời, đúng cách. Nguy cơ tử vong sẽ rất cao.
Chương trình tập huấn của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tại Trung tâm Y tế huyện Yên Lập. |
Hàng nghìn người bệnh nặng được cứu sống
Đánh giá hiệu quả từ công tác phối hợp, hỗ trợ chuyên môn giữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các Trung tâm Y tế tuyến huyện, TS.BS Hà Thị Bích Vân cho biết, trường hợp trên chỉ là một trong số rất nhiều người bệnh đã được cứu sống nhờ chuyển tuyến kịp thời từ Trung tâm Y tế tuyến huyện lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Thực tế, với một số bệnh lý và tình trạng chấn thương nặng, nếu không được cấp cứu đúng, kịp thời từ y tế cơ sở, sẽ dẫn đến hậu quả rất đáng tiếc, có thể để lại di chứng nặng, thậm chí tử vong.
Tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận gần 6.000 người bệnh chuyển tuyến từ Trung tâm Y tế tuyến huyện, trong đó phần lớn là ca bệnh nặng như đa chấn thương, sốc nhiễm khuẩn, sốc giảm thể tích do mất máu cấp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
Nhờ sự cấp cứu ban đầu tốt, vận chuyển kịp thời, an toàn từ trung tâm y tế tuyến huyện cùng việc áp dụng kỹ thuật cao trong điều trị hồi sức cho người bệnh nặng và sự chuyên nghiệp của bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, nhiều người bệnh nặng được cứu sống.
Sự phối hợp giữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và các Trung tâm Y tế tuyến huyện còn được thể hiện qua nhiều hoạt động khác, có thể kể đến như: Bệnh viện cử cán bộ về tuyến huyện hỗ trợ chuyên môn trực tiếp, hội chẩn trực tuyến, tổ chức các khóa học cập nhật kiến thức chuyên môn cho cán bộ y tế trên toàn tỉnh… Tất cả hướng tới mục tiêu chung là xây dựng ngành y tế Phú Thọ vững mạnh, đảm bảo mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân một cách hiệu quả, toàn diện.
Thúy NgaSự kiện: Tin Tức Y Tế