(Dân trí) - "Zoom" từng phổ biến đến mức trở thành thuật ngữ đồng nghĩa với việc "gọi video online".
Trong 2 năm qua, Zoom đã trở thành nền tảng gọi video trực tuyến được sử dụng nhiều nhất trên toàn cầu do ảnh hưởng của sự bùng phát Covid-19. Ứng dụng này đã chứng kiến sự gia tăng đột biến về lượt tải xuống trên toàn thế giới.
Zoom thậm chí đã "soán ngôi" rất nhiều ứng dụng giải trí như TikTok, WhatsApp và Instagram trên kho ứng dụng của Google. Tại nhiều nước phương Tây - nơi nhu cầu hội họp trực tuyến luôn ở mức cao, Zoom được coi là "vị vua" thống trị hình thức này. Zoom phổ biến đến mức đã trở thành thuật ngữ đồng nghĩa với "gọi video trực tuyến". Tuy nhiên, giờ đây, khi đại dịch lùi về phía sau, ứng dụng trên đã ở một vị thế khác.
Thành công không phải một sớm một chiều
Được thành lập bởi Eric Yuan năm 2011 và ra mắt năm 2013, Zoom được công chúng biết đến nhiều nhất từ năm 2020. Nhờ ứng dụng này, người dùng trên toàn thế giới có thể kết nối với nhau dễ dàng trong thời gian phong tỏa để chống dịch.
Đại dịch có thể là yếu tố chính khiến Zoom trở thành một cái tên quen thuộc nhưng có lẽ đây không phải sự ăn may. Thành công của họ không phải một sớm một chiều mặc dù nhiều người có thể cảm thấy như vậy nếu chưa từng biết đến Zoom trước khi đại dịch bùng phát.
Để nói về thành công của Zoom, có lẽ không điều gì có thể minh họa rõ ràng hơn bằng số liệu. Năm 2016, Zoom là ứng dụng gọi video trực tuyến phát triển nhanh nhất. Hai năm sau, công ty chứng kiến sự tăng trưởng tới 876% về số lượng người dùng. Từ tháng 3/2020, số lượt tải về của Zoom tăng bùng nổ ở mức 728%. Một thống kê cho thấy, chỉ trong ngày 23/3/2020, ứng dụng này được tải xuống và cài đặt 2,13 triệu lần.
Số lượt tải về ứng dụng Zoom đã bùng nổ trong đại dịch (Nguồn: Android Authority).
Trong năm 2013, có khoảng 3 triệu người đã tham gia các cuộc gọi qua Zoom. Cuối năm 2015, con số này tăng lên thành 100 triệu người và đến năm 2020, nó đã tăng hơn gấp đôi lên hơn 200 triệu. Thời điểm hiện tại, Zoom có 300 triệu người người dùng hoạt động hàng ngày trong các cuộc họp.
Theo các báo cáo của Zoom, công ty vẫn tiếp tục là một trong những ứng dụng gọi video trực tuyến phổ biến nhất. Trong quý III/2021, tổng số phút cuộc gọi mà Zoom đã tổ chức là 3,3 nghìn tỷ. Công ty có hơn nửa triệu khách hàng là doanh nghiệp có từ 10 nhân viên trở lên.
Những chiến lược hiệu quả
Nhiều startup trên thế giới thường nêu cao khẩu hiệu "khách hàng là tất cả" nhưng không phải ai cũng có thể làm được điều đó. Trước khi thành lập Zoom vào năm 2011, Eric Yuan làm việc cho WebEx - công ty phát triển ứng dụng gọi video trực tuyến cùng tên. Năm 2007, tập đoàn Cisco mua lại WebEx và Yuan chuyển sang làm việc tại đó.
Tại đây, với tư cách là Phó giám đốc kỹ thuật, Yuan nhận thấy sự bất mãn trong các cuộc họp và trò chuyện với khách hàng của WebEx. Họ không hài lòng với các giải pháp của công ty vào thời điểm đó.
Dù được trả lương hậu hĩnh nhưng Yuan không hài lòng với việc ý kiến của khách hàng không được lắng nghe. Sau khi ban quản lý tại Cisco không phản hồi, Yuan rời đi để thành lập Zoom. Điểm khác biệt lớn nhất mà Yuan tạo ra là xây dựng công ty dựa trên các giá trị cốt lõi cũng như triết lý luôn hướng tới trải nghiệm của người dùng.
Eric Yuan - CEO Zoom (Nguồn: The Information).
"Chúng tôi tập trung không ngừng vào việc tạo ra sản phẩm tốt nhất với trải nghiệm người dùng tốt nhất. Đây là những gì mọi khách hàng muốn. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi dành phần lớn thời gian để lắng nghe người dùng và tinh chỉnh phần mềm để phù hợp với nhu cầu của họ", Yuan chia sẻ.
Ngoài thiết kế hướng tới người dùng, Zoom còn đạt được thành công nhờ chiến lược "freemium". Không thể phủ nhận rằng mọi người đều thích việc nhận thứ gì đó miễn phí. Mô hình "freemium" của Zoom cung cấp các tính năng chính miễn phí cho người dùng nhưng chỉ trong vòng 40 phút đối với cuộc gọi từ 2 người trở lên. Điều này cho phép người dùng có trải nghiệm tốt và cũng vừa thúc đẩy họ trả tiền cho dịch vụ cao cấp hơn nếu có nhu cầu gọi video liền mạch lâu hơn 40 phút.
Sự "lao dốc" của Zoom
Dù Zoom cung cấp dịch vụ giúp mọi người kết nối dễ dàng hơn nhưng đã có những lo ngại đáng kể liên quan đến tính bảo mật của ứng dụng. Ví dụ, một số cuộc gọi đã bị hacker xâm nhập và quấy rối. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều lỗ hổng bảo mật cho phép hacker truy cập vào mật khẩu Windows hay máy Mac của người dùng cùng quyền truy cập micro và webcam.
Bên cạnh đó, các công ty đánh giá rủi ro mạng còn phát hiện ra rằng hơn 500.000 tài khoản Zoom đã được bán trên dark web. Năm 2020, chính phủ Ấn Độ tuyên bố Zoom là "nền tảng không an toàn" đồng thời yêu cầu các cơ quan nhà nước sử dụng ứng dụng này để hội họp. Mặc dù vậy, Zoom không bị cấm đối với người dân vì không có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Ngoài Ấn Độ, một số quốc gia khác bao gồm Đức, cũng không khuyến khích sử dụng Zoom. Tại Mỹ, đã có các cuộc điều tra về hoạt động bảo mật của Zoom và Cục Điều tra Liên bang (FBI) từng đưa ra cảnh báo về những cuộc gọi bị tấn công. Bên cạnh đó, Zoom cũng bị một bộ phận người dùng quay lưng vì việc thực hiện cuộc gọi bằng điện thoại bị giảm hiệu suất.
Cuối tháng trước, giá cổ phiếu Zoom đã giảm tới 90% so với mức đỉnh vào tháng 10/2020. Theo Reuters, "con cưng" một thời của các nhà đầu tư đang phải vật lộn để thích nghi khi phần lớn thế giới đã trở lại bình thường sau đại dịch.
Tháng trước, Zoom công bố quý III năm nay là giai đoạn chứng kiến mức tăng trưởng hàng quý chậm nhất đồng thời cắt giảm dự báo doanh thu hàng năm. Trong bối cảnh hiện tại, công ty của Yuan đang nỗ lực cung cấp nhiều sản phẩm hơn cho thị trường. Một trong số đó là Zoom Phone - hệ thống điện thoại hoạt động dựa trên đám mây được thiết kế đặc biệt cho nền tảng Zoom.
Zoom đang nỗ lực cải thiện hoạt động kinh doanh của mình (Nguồn ảnh: IT Center).
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết nhiều khả năng phải tới vài quý nữa sự thay đổi tích cực của Zoom mới trở nên rõ ràng hơn. Nguyên nhân nằm ở việc tốc độ tăng trưởng hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty đã chậm lại do sự cạnh tranh của các ứng dụng gọi video do Microsoft, Cisco và Salesforce ngày càng khốc liệt hơn.
Theo báo cáo của Zoom, chi phí hoạt động của công ty đã tăng 56% trong quý III, chủ yếu cho việc phát triển và tiếp thị sản phẩm. Tuy nhiên, nhà phân tích Sophie Lund-Yates của công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown nhận định: "Zoom có một thiếu sót khá cơ bản. Họ cần chi mạnh tay hơn để giữ thị phần".
Một số công ty môi giới tin rằng các thương vụ thâu tóm có thể giúp phục hồi sự tăng trưởng của Zoom nhưng Yuan cho biết công ty vẫn tiếp tục xem xét kỹ lưỡng đối với hoạt động kinh doanh mới.
Nhà phân tích Ryan Koontz nhận xét: "Sự tăng trưởng rực rỡ có thể chưa kết thúc với Zoom nhưng nếu không có các thương vụ mua lại thì không loại trừ khả năng họ sẽ phải mất nhiều năm mới quay lại mức tăng trưởng như trước đây".