Chiều ngày 10/7, tại tỉnh Điện Biên, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng 7 tỉnh Tây Bắc (Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Giang) tổ chức trao đổi kinh nghiệm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; thống nhất kiến nghị sửa đổi một số nội dung, quy định chi trả dịch vụ môi trường rừng phù hợp với thực tiễn.
Trong năm 2023, nguồn thu dịch vụ môi trường rừng tại 7 tỉnh Tây Bắc đạt 1.270 tỷ đồng; thu tiền trồng rừng thay thế đạt 93,767 tỷ đồng, với tổng diện tích rừng phải chuyển đổi là 1.129,09ha. Như vậy, căn cứ quy định chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng 7 tỉnh đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan mở tài khoản và chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (nguồn năm 2023) đến 124.702 chủ rừng với tổng số tiền 1.144 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng 7 tỉnh đã thu 300 tỷ đồng; thu tiền trồng rừng thay thế 25,665 tỷ đồng.
Người dân được thụ hưởng nhiều từ việc chi tra dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: Lê Lan.
Tại hội nghị, đại diện của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng 7 tỉnh cho biết: Việc tổ chức triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã khẳng định hướng đi đúng đắn và phù hợp với thực tiễn công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; chính sách đã từng bước đi vào cuộc sống người dân, tạo lập nguồn tài chính mới ngoài ngân sách mang tính ổn định, bền vững, phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng.
Nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả kịp thời bổ sung nguồn lực cho các chủ rừng có kinh phí bảo vệ rừng; đồng thời giúp các chủ rừng, đặc biệt là chủ rừng ở khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thêm nguồn lực quan trọng cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống, yên tâm gắn bó với rừng.
Để chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ngày càng phát huy hiệu quả, có thêm nguồn lực khuyến khích chủ rừng, người dân tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng 7 tỉnh Tây Bắc thống nhất đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm sửa đổi, bổ sung một số nội dung về dịch vụ môi trường rừng tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018, để hoàn thiện khung pháp lý quy định cụ thể về đối tượng, hình thức chi trả đối với các loại hình dịch vụ, như: du lịch sinh thái, nuôi trồng thuỷ sản, hấp thụ và lưu trữ các-bon của rừng.
Với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam thì Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng 7 tỉnh Tây Bắc thống nhất kiến nghị quan tâm xây dựng, bổ sung quy định về cơ cấu ngạch, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức, người lao động làm việc trong hệ thống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho viên chức, người lao động của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các tỉnh.