Thực trạng kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng ở Việt Nam

31/03/2023 09:36
Hội thảo “Thực trạng kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng ở Việt Nam”, do Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra chủ trì vừa diễn ra tại TP Nha Trang (Khánh Hòa).

 

Thực trạng kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng ở Việt Nam

Khu "đất vàng" thuộc Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa (tại số 1 Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang) đã bị các cán bộ lãnh đạo tỉnh chỉ đạo giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án kinh doanh khách sạn, căn hộ (hai tòa tháp song song) - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Đây cũng chính là đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, đã được bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định phê duyệt, giao Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (thuộc Thanh tra Chính phủ) chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị thực hiện.

Có 29 tham luận, đóng góp đối với đề tài nghiên cứu và hội thảo "Thực trạng kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng ở Việt Nam".

Có nhiều ý kiến về thực tiễn thực thi luật pháp, thực hiện quyền lực hành chính, quyền lực nhà nước chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ… Từ đó đã dẫn đến sai phạm, tiêu cực, tham nhũng ở nhiều lĩnh vực.

Cần thay đổi cơ chế để "kiểm soát quyền lực giao đất, cho thuê đất"

Trong tham luận "Kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng tronggiao đất và cho thuê đấtở Việt Nam", PGS.TS Phạm Hữu Nghị (nguyên tổng biên tập tạp chí Nhà Nước và Pháp Luật) cho rằng "giao đất và cho thuê đất nhìn từ góc độ phòng, chống tham nhũng đang còn rất nhiều bất cập, hạn chế".

Đó là cơ chế giao đất, cho thuê đất chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch và kiểm soát quyền lực. Từ đó, nhiều hành vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực giao đất, cho thuê đất đã diễn ra khá phổ biến ở nhiều tỉnh, thành phố.

Theo PGS-TS Nghị, hiện nay cả nước đang có gần 12 ngàn cơ quan hành chính các cấp có thẩm quyền trao quyền sử dụng đất của "sở hữu toàn dân" cho các tổ chức, cá nhân sử dụng.

Để hạn chế tiêu cực, tham nhũng, kiểm soát quyền lực trao quyền sử dụng đất theo các thủ tục, hình thức có nhiều bất cập hiện nay, theo PGS-TS Nghị "cần hoàn thiện thể chế định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Thu hẹp các đối tượng được giao đất và mở rộng đối tượng được thuê đất".

Các đề nghị cụ thể như: kiểm soát chặt chẽ việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.

Hạn chế và tiến tới chấm dứt trao quyền sử dụng đất thông qua hình thức: chỉ định chủ đầu tư trong hoạt động kinh doanh bất động sản (để chuyển sang hình thức thỏa thuận theo hợp đồng) và đổi đất lấy cơ sở hạ tầng mà nay "ẩn dưới tên mới là dự án BT" (để chuyển đất sang đấu giá); xem xét chấm dứt trao quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp nhà nước khicổ phần hóa.

Tha hóa, lạm quyền và kiểm soát quyền lực thanh tra

Trong tham luận về kiểm soát quyền lực thanh tra, TS Nguyễn Quốc Văn (viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra) cho rằng: "Quyền thanh tra luôn có khả năng bị tha hóa. Các chủ thể của quyền thanh tra luôn có nguy cơ lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực, xung đột lợi ích trong tất cả các giai đoạn của quá trình thanh tra".

Theo TS Văn, hiện nay đã có các cơ chế để kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra. Đó là các cơ chế kiểm soát từ bên ngoài và từ bên trong hệ thống cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan hành chính nhà nước; kiểm soát của các cơ quan theo cơ chế của Đảng Cộng sản Việt Nam; của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Ngoài ra, còn có cơ chế kiểm soát xã hội (của báo chí, người dân, doanh nghiệp…) thông qua các hình thức như khiếu nại, tố cáo, phản ánh. Nhưng hiện nay "có một số phương thức kiểm soát chưa được thể chế chính thức, đầy đủ bằng quy định pháp luật (kiến nghị, phản ánh), nhất là phản ánh qua đường dây nóng, mạng xã hội", theo TS Văn.

Còn thực tế đã có rất nhiều biểu hiện, chiêu thức để tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra. "Đó là biểu hiện phổ biến của tha hóa quyền lực và thường xuyên được dư luận quan tâm".

Để kiểm soát quyền thanh tra, hạn chế tình trạng đã nêu, TS Văn đề nghị rất nhiều biện pháp để thực thi hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ hơn trong từng cơ chế kiểm soát đã được kể trên.

Theo Nguồn tuoitre.vn

Thực trạng kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng ở Việt Nam - Thông Tin