Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng hiện vẫn còn là một vấn đề mới đối với Việt Nam. Về mặt chính sách, vấn đề này đã được quy định rải rác ở một số văn bản pháp luật nhưng chủ yếu liên quan đến thương mại điện tử...
Chính sách bảo về quyền lợi người tiêu dùng mới nằm rải rác trong các quy định giao dịch thương mại điện tử.
Tại tọa đàm “Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng”, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết Việt Nam hiện có khối lượng người dùng internet rất lớn.
Hơn 70% dân số dùng internet, có 55% người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến, 72 triệu người dùng mạng xã hội, tất cả sẽ tạo ra một khối dữ liệu khổng lồ trên môi trường trực tuyến.
CHƯA CÓ QUY ĐỊNH CỤ THỂ, RÕ RÀNG
Dự kiến đến năm 2025, thị trường thương mại điện tử đạt 57 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm hàng đầu khu vực, vượt xa quy mô thị trường năm 2021 là 13,7 tỷ USD. Nhưng cùng với sự mở rộng của thị trường thương mại điện tử, những hành vi vi phạm sẽ ngày càng đa dạng và càng nhiều lên.
Theo bà Lại Việt Anh, dữ liệu nói chung và dữ liệu về người tiêu dùng nói riêng đang là nguồn tài nguyên cực lớn của quốc gia. Những quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hệ thống pháp luật của Việt Nam đã được quy định rải rác ở nhiều văn bản pháp luật, như Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Bộ luật Dân sự, Hình sự, … nhưng chỉ đang tiếp cận ở quyền riêng tư của công dân.
Hiện chưa có quy định mang tính toàn diện, chưa nhìn từ góc độ quyền của người tiêu dùng, góc độ tài sản trong kinh doanh thương mại. Vì vậy, nên có những quy định về bảo vệ thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân nhìn từ góc độ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng là rất cần thiết.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), cũng thừa nhận, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng hiện vẫn còn là một vấn đề mới đối với Việt Nam.
Về mặt chính sách, vấn đề này đã được quy định rải rác ở một số văn bản pháp luật nhưng chủ yếu liên quan đến thương mại điện tử, như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 và pháp luật chuyên ngành khác, đặc biệt là Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử; Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; ....
KỲ VỌNG GIẢI QUYẾT BẤT CẬP TỪ DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG
Điều đáng mừng, ông Trịnh Anh Tuấn thông tin, dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) đã bổ sung một chương mới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù. Theo đó, giao dịch từ xa bao gồm giao dịch được thực hiện trên không gian mạng, là một trong 3 loại hình quan trọng thuộc giao dịch đặc thù.
Điểm đáng lưu ý, Dự thảo đã bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, trong đó tập trung quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể như “Tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hệ thống thông tin tự mình thiết lập hoặc thông qua các nền tảng số” và “Tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số”.
Dự thảo cũng đã đưa ra các quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số như: Cấm ép buộc hoặc ngăn cản người tiêu dùng đăng ký sử dụng hoặc sử dụng nền tảng số trung gian khác như điều kiện bắt buộc để sử dụng dịch vụ; cấm sử dụng các biện pháp ngăn hiển thị hoặc hiển thị không trung thực kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ...
Nêu quan điểm, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng là một vấn đề hết sức mới mẻ ở Việt Nam và kể cả trên thế giới.
Chúng ta chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng. Vì vậy, việc thiết kế, xây dựng dự thảo Luật lần này muốn bảo đảm tính khả thi đòi hỏi cần phải tiếp tục tổng kết, đánh giá từ thực tiễn của Việt Nam, chắt lọc bài học kinh nghiệm của quốc tế để đưa ra được những quy định phù hợp, vừa giải quyết các vấn đề cấp bách vừa bảo đảm tính bền vững, lâu dài. Đây là vấn đề phức tạp, cần nghiên cứu kỹ và cần có quy định chi tiết.
“Chúng ta phải tập trung thể chế hóa và cụ thể hóa trong quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất và khả thi của hệ thống pháp luật. Đồng thời, giải quyết những bất cập của hệ thống pháp luật hiện nay”, ông Thi lưu ý.
Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội bổ sung, về góc độ an ninh, trật tự nếu không xử lý được các khiếu nại, đặc biệt là các hành vi gian lận trên không gian mạng thì rất khó để bảo vệ tốt quyền lợi người tiêu dùng.
Xu hướng hiện nay là ngày càng gia tăng thị phần của thương mại điện tử. Chúng ta đang đặt mục tiêu đạt 20% từ kinh tế số trong GDP, trong đó phần lớn là thương mại điện tử.
Như vậy, nếu không có chính sách cụ thể để xử lý các gian lận, hành vi trục lợi, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng thì sẽ là thiếu sót và gây hệ lụy rất lớn cho xã hội.
“Phải có các biện pháp cả về kỹ thuật và hành chính để thể hiện rõ hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để xử lý các vấn đề mới phát sinh khi phát triển kinh doanh trên nền tảng số”, ông An nhấn mạnh.