Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu ngày 13-3 - Ảnh: REUTERS
"Người Mỹ có thể tin tưởng rằng hệ thống ngân hàng an toàn. Tiền gửi của mọi người sẽ ở đó khi họ cần", ông Biden phát biểu trên truyền hình từ Nhà Trắng ngày 13-3, sau vụ sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Ngân hàng Signature cuối tuần qua.
Tổng thống Mỹ cam kết vụ việc sẽ không đụng đến tiền thuế của người dân mà sẽ từ bảo hiểm tiền gửi mà các ngân hàng đã đóng.
Chính quyền Mỹ đã làm rõ lập trường buộc những người có liên quan chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng. Ông Biden cho biết một khi các cơ quan chức năng tiếp quản, những người điều hành các ngân hàng sẽ bị sa thải.
Và trong khi những người gửi tiền sẽ không chịu tổn thất, các nhà đầu tư phải chấp nhận thiệt hại.
"Họ biết rõ khi mạo hiểm và khi rủi ro không được đền đáp, các nhà đầu tư sẽ mất tiền. Đó là cách chủ nghĩa tư bản hoạt động", Hãng tin AFP dẫn lời ông Biden nói.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ cũng kêu gọi Quốc hội ban hành các quy định nghiêm ngặt hơn vì các biện pháp bảo vệ "cứng rắn" được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã bị hủy bỏ dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump.
"Tôi sẽ yêu cầu Quốc hội và các cơ quan quản lý ngân hàng tăng cường quy định đối với các ngân hàng để làm giảm khả năng xảy ra sự cố ngân hàng kiểu này một lần nữa", ông cho biết.
Chính quyền của ông Biden đang chạy đua xử lý chấn động từ sau vụ sụp đổ của hai ngân hàng lớn cuối tuần qua.
Ngày 13-3, làn sóng lan đẩy chứng khoán Mỹ giảm khi mở cửa đầu tuần. Theo AFP, chỉ số S&P 500 giảm 1%, còn Dow Jones và Nasdaq Composite mất 0,7%.
Trong khi lĩnh vực ngân hàng, cổ phiếu của Ngân hàng First Republic Bank đã giảm đến 65%, PacWest Bancorp giảm 35%, Comerica giảm 33% và KeyCorp giảm 23%.
"Tốc độ mà Ngân hàng Silicon Valley sụp đổ cho thấy có vẻ như Fed (Cục Dự trữ liên bang) đã ngủ quên trong vai trò là cơ quan quản lý. Chắc chắn rằng, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào về các vấn đề ngân hàng trong điều trần chính sách tiền tệ nửa năm một lần vào tuần trước", nhà phân tích Patrick O'Hare nhận định.
Không có nguy cơ lan đến châu Âu
Chứng khoán tại châu Âu cũng chịu sức ép từ chấn động tại Mỹ nhưng ủy viên phụ trách vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU), ông Paolo Gentiloni, khẳng định rủi ro với thị trường này không quá cao.
"Chúng tôi theo dõi khả năng tác động gián tiếp nhưng hiện tại chúng tôi không coi đó là rủi ro đáng kể", ông Gentiloni nói ngày 13-3.
Trước đó, hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Pháp và Đức cũng khẳng định không có nguy cơ hệ thống tài chính của hai nước này sẽ sụp đổ.